Trước khi tới tay chúng ta, hạt cà phê đã "lăn" qua nhiều câu chuyện
“Ly cà phê giá bao nhiêu?” – Người Việt Nam có lẽ chẳng còn mấy ai thắc mắc điều này trước khi bước chân vào cửa tiệm đồ uống. Đa phần họ đã nắm trong tay từ phân khúc giá tầm trung đến cao cấp, chỉ là không biết họ có rõ - trước khi đến với họ, hạt cà phê đã “lăn” qua rất nhiều câu chuyện…
Ngành cà phê Việt Nam - 5 năm khoác tấm áo mới
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, những làn gió mới liên tiếp thổi vào ngành cà phê Việt Nam với động lực thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ các quán cà phê đường phố tới những nhà hàng sang trọng, hầu hết đã tập trung hơn vào chất lượng, chuyển đổi dần gu uống cà phê “đen, đậm, sánh" sang tới cà phê nguyên chất, rồi gần đây là cà phê chất lượng cao.
Để phục vụ khẩu vị ngày càng tinh tế của người tiêu dùng, các nhà rang xay đã tìm đến và mua trực tiếp cà phê từ các nông hộ hoặc nhà sản xuất cà phê nhân có chất lượng tốt. Họ chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao hơn so với hàng xuất khẩu và ổn định nhiều năm, không phụ thuộc vào mức độ dao động của giá cà phê trên sàn giao dịch thế giới.
Đó là các nhà sản xuất cà phê nhân chịu đổi mới. Họ tạo ra một chuỗi giá trị gắn kết và thay đổi linh hoạt hàng năm dựa vào một điểm quan trọng, đó là cà phê nhân được mua với giá cao hơn giá thu mua xuất khẩu (được quyết định bởi giá cà phê tại các sàn giao dịch thế giới). Những trái cà phê hái chín được mang về, áp dụng kiến thức và công nghệ vào sơ chế cà phê nhân và trả cho người nông dân trồng cà phê mức giá cao hơn mức thu mua của các công ty xuất khẩu.
Sự chênh lệch này là động lực để người nông dân và các nhà sản xuất cà phê cải tiến và làm ra cà phê có chất lượng cao hơn. Qua thời gian, người tiêu dùng đầu cuối (những người uống cà phê) cũng nhận ra sự khác biệt và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Ảnh hưởng tới sự trỗi dậy mạnh mẽ của giá Robusta
Việt Nam hiện đang là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Với vai trò then chốt như vậy trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, diễn biến giá và những tin tức của thị trường cà phê thế giới có ảnh hưởng không nhỏ tới giá cà phê nội địa. Đồng thời, diễn biến nguồn cung Việt Nam cũng có những tác động trực tiếp đến giá Robusta thế giới.
Trong vòng một năm qua, cà phê là mặt hàng hiếm hoi vẫn duy trì được mức giá cao, trong khi giá các loại hàng hóa khác như dầu thô, kim loại hay nhóm nông sản đều đã giảm mạnh từ đỉnh. Hợp đồng Arabica được giao dịch trên Sở ICE US hiện đạt 5.310 USD/tấn, vẫn đang cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hợp đồng Robusta trên Sở ICE EU hiện cao hơn gần 80%, đang “dừng chân” ở mức 2.282 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung là yếu tố thúc đẩy đà tăng của giá cà phê trên thế giới xuyên suốt một năm qua. Vì cà phê Arabica vẫn chiếm tới 70% nhu cầu tiêu thụ mỗi năm, nên các tin tức về tình hình sản xuất ở Brazil thường là chất xúc tác đối với cả thị trường Robusta.
Trải qua thời kỳ hạn hán và sương giá giữa năm 2021, sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2021/22 đã sụt giảm nặng nề khi chỉ đạt 47,7 triệu bao, thấp hơn 25% so với mức 63,1 triêu bao của niên vụ trước đó. Ngoài ra, tiềm năng của niên vụ hiện tại 2022/23 vốn đã bị ảnh hưởng vì sương giá, mới đây tiếp tục bị tổn thất vì mưa lớn và sạt lở đất ở các khu vực trồng cà phê chính của Brazil. Đây là những yếu tố chính củng cố xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới nói chung trong suốt năm 2021.
Đối với thị trường Robusta, những chậm trễ trong công tác hậu cần khiến cho các hợp đồng cà phê không thể đến tay người mua đã liên tục đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, rồi cao nhất trong một thập kỷ. Thậm chí, vì sự khan hiếm số lượng hàng giao ngay, mà trên thị trường Robusta tương lai đã diễn ra hiện tượng “vắt giá”, khi giá hợp đồng tháng gần cao hơn so với giá hợp đồng tháng xa.
Bên cạnh đó, thời gian đầu khi Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch, lũ lụt và tình trạng thiếu hụt nhân công đã khiến cho tiến độ thu hoạch cà phê của nước ta bị chậm trễ, gây ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu.
Mới đây, Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 12/2021 của Việt Nam đạt 130.000 tấn, tương đương với mức kim ngạch xuất khẩu là 305 triệu USD. Tổng khối lượng xuất khẩu cả năm vừa qua đạt 1,52 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 1,51 triệu tấn của năm 2020. Đáng chú ý, tổng kim ngạch cả năm đạt gần 3 tỷ USD, cao hơn gần 13% so với cùng kỳ trước đó.
Sự khan hiếm của cà phê nhân Việt Nam dành cho nội địa
Nếu chỉ nhìn vào đà tăng của giá cà phê thế giới và các số liệu xuất khẩu tích cực của nước ta cuối năm 2021, thì khó có thể hình dung ra được những khó khăn mà doanh nghiệp cà phê trong nước phải đối mặt.
Do giá thế giới tăng cao, hầu hết các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đều nhanh chóng mua gom hàng với số lượng lớn và với giá cao. Vì vậy, nguồn cà phê dành cho các nhà sản xuất Việt Nam bị thụt giảm lớn về số lượng. Đáng chú ý, lượng cà phê tồn kho ở Việt Nam cho niên vụ 2021/22 giảm 22% so với niên vụ trước, và là năm đầu tiên sụt giảm sau chuỗi tăng ba năm liên tiếp.
Muốn tiếp tục sản lượng như mọi năm, nhà sản xuất cà phê phải mua vào cà phê trái tươi với giá cao gấp đôi năm 2020/21. Điều này dẫn đến hai hệ luỵ, một là, vốn đầu tư cho mùa vụ tăng cao bất thường và hai là, giá cà phê đầu ra sẽ tăng cao từ 1,5 đến 2 lần.
Nhiều năm qua, khách hàng chính của chuỗi cà phê nội địa đã quen với việc có một giá thành tương đối ổn định, hoặc điều chỉnh vừa phải. Vì thế, nâng giá bán cao quả là một thách thức đối với chủ quán cà phê, những người vừa có một năm khó khăn với đại dịch Covid-19 và nhận biết rõ sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng.
Rất nhiều các nhà sản xuất cà phê nhân, nhà rang xay cà phê và các quán cà phê đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán này, và có thể đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động trước sức ép về giá cả và dòng tiền.
Còn quá sớm để khẳng định chu kỳ tăng giá đã kết thú
Việc tăng giá cà phê từ cà phê nhân, cho tới cà phê rang xay hay cuối cùng là ly cà phê thành phẩm là việc không thể tránh khỏi. Mỗi thành viên của chuỗi giá trị cần tìm ra mức giá hợp lý giúp cho chính mình và những đối tác xung quanh (khách hàng và nhà cung cấp) đều có thể tồn tại. Sự cộng sinh và san sẻ sẽ giúp chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao có thể vượt qua năm 2022 đầy sóng gió.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, hiện giá cà phê thế giới đang có một nhịp điều chỉnh nhỏ từ vùng đỉnh 10 năm, tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định chu kỳ tăng giá đã kết thúc. Những bất ổn về nguồn cung ở Brazil, cùng với những khó khăn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu, tiếp tục bị gián đoạn về dịch bệnh, sẽ vẫn hỗ trợ giá cà phê trong ngắn hạn.
Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam phải có cách tiếp cận với nguồn hàng nội địa, tối ưu hóa chi phí để đương đầu với bài toán cước vận tải leo thang, từ đó, mới có thể tận dụng lợi thế đà tăng của giá cà phê trên thế giới.
Bảo Trung – Tiên Phạm (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV)
Theo Nhịp sống kinh tế